Trong thần thoại Hy Lạp, Asclepius được gọi là ông tổ của ngành dược, ông sinh năm 1250 TCN, là con trai của thần ánh sáng Apollo, tức là cháu nội của thần Zeus. Asclepius còn gọi là Esculape hoặc Aesculapius, hình ảnh của ông gắn liền với con rắn Aesculape, sau này được dùng làm biểu tượng của ngành y dược phương tây.

Truyền thuyết kể rằng Esculape rất thông minh và ham học hỏi, ông có sở thích nghiên cứu dược liệu, thảo dược. Tương truyền rằng có 1 lần ông qua thăm người bạn, trên đường đi ông nhìn thấy 1 con rắn, vì lo ngại đây là rắn độc, ông đã dùng gậy đập chết nó. Tuy nhiên ngay sau đó có 1 con rắn khác bò tới, miệng ngậm 1 cái lá thảo dược lạ và mớm cho con rắn chết, sau đó con rắn kia sống lại.

Sự tình cờ này đã giúp Esculape khám phá ra loại thảo dược có khả năng cải tử hoàn sinh, ông bắt đầu hành nghề y từ năm 1200TCN, sử dụng loài thảo dược này để cứu sống rất nhiều người, từ đó trở thành một vị thần y, được người Hy Lạp cổ đại tôn vinh là thầy thuốc có khả năng xua đuổi cái chết.


Asclepius có khoảng 9 người con, trong đó có 5 người con gái có chung sở thích nghiên cứu y dược giống như ông, và đều là những nữ thần của Hy Lạp: nàng Hygieneia, nàng Laso, nàng Aceso, nàng Panacea và nàng Egle.
  • Hygieneia: nữ thần của sức khỏe, sự sạch sẽ và thanh trùng
  • Panacea: nữ thần của sức khỏe cộng đồng
  • Laso: nữ thần của sự hồi phục sức khỏe
  • Aceso: nữ thần của sự cứu thương
  • Egle: nữ thần của vẻ đẹp, trang sức và sự huy hoàng, tráng lệ

Tương truyền nàng Hygieneia (có nghĩa là sự sạch sẽ) thường xuyên đi theo cha để hành nghề y, trên tay nàng luôn cầm theo 1 cái ly để chứa dược liệu, chữa bệnh cho mọi người.


Chính vì vậy mà sau này tên của nàng Hygiene được lấy để đặt tên cho môn vệ sinh học trong ngành y học. Hygiene cũng có nghĩa là vệ sinh, sạch sẽ, và được ngành hóa mỹ phẩm dùng làm danh từ chung để chỉ sản phẩm tẩy rửa.

Tiếng lành đồn xa về khả năng cải tử hoàn sinh của Asclepius lan tới đỉnh Olympus, thần Hades (cai quản địa ngục) lo ngại con người sẽ thoát được số mệnh của cái chết, vi phạm quy luật sinh tử của nhân gian, vì vậy ông đã gây áp lực với em trai mình là thần Zeus. Thần Zeus bèn sai quỷ 1 mắt Cyclope tạo ra tia sét và đánh chết Asclepius.


Sau khi nghe tin dữ, thần Apollo đã giết chết Cyclope, việc này khiến cho Zeus tức giận và đuổi Apollo khỏi đỉnh Olympus 1 năm. Linh hồn của Asclepius được Zeus đưa lên trời, đặt tên là chòm sao Cự Xà, vì hình ảnh của ông gắn liền với con rắn.

Khi Apollo hết hạn phạt và trở về Olympus, ông đến gặp Zeus và cầu xin cha hồi sinh cho Asclepius. Zeus đồng ý, hồi sinh Asclepius và cho vị danh y 1 vị trí ở đỉnh Olympus, gọi là Asclepios, vị thần y dược.

Truyền thuyết cũng kể lại rằng sau này người ta xác định con rắn mà năm xưa Esculape đập chết không có độc, là 1 loài trong họ rắn nước, sinh sống nhiều ở các nước châu Âu. Họ đặt tên cho nó theo tên của ông, là loài rắn Aesculape (tên khoa học là Zamenis longissimus).

Hình ảnh con rắn Aesculape bò quanh cái ly của nàng Hygieneia được sử dụng làm biểu tượng của ngành dược bắt đầu từ năm 1796, và hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy của Esculape được sử dụng làm biểu tượng cho ngành y học phương tây.